Nhân xưng trong tiếng Nhật
Bài này giới thiệu nhân xưng trong tiếng
Nhật và cách sử dụng. Các bạn có thể thấy là khác với tiếng Anh, tiếng Nhật
cũng sử dụng nhân xưng khác nhau tùy hoàn cảnh nói chuyện, cách người nói nhìn
nhận về bản thân và quan hệ giữa người nói và người nghe như tiếng Việt.
Danh sách nhân xưng trong tiếng Nhật:
Nhân xưng thứ nhất và thứ hai trong tiếng
Nhật:
私=わたし=watashi
"Tôi": Dùng trong hoàn cảnh
thông thường, lịch sự, trang trọng. Ví dụ khi bạn gặp người lạ, hoặc với người
lớn tuổi hơn.
Số nhiều là: 私たち(わたしたち、watashi-tachi)
あなた=anata
Nghĩa: Anh, chị, bạn, ông, bà.
"Anata" là cách gọi lịch sự
người mà bạn không thân thiết lắm, hoặc là cách gọi thân mật của người vợ với
chồng.
Đây là cách gọi lịch sự với người mới
quen, trong văn viết thì sẽ dùng chữ kanji là 貴方 (quý phương, anata) cho nam và 貴女 (quý nữ, anata) cho nữ. Chú ý là trong văn viết bạn không nên dùng chữ
hiragana あなた trừ khi muốn gọi thân
mật.
Số nhiều dạng lịch sự: 貴方がた(あなたがた、anatagata)= Quý vị, quý anh chị
Số nhiều dạng thân mật hay suồng sã: あなたたち(anatatachi)= Các bạn, các người
Các bạn cần chú ý là anata là dạng hết
sức lịch sự, nhất là dạng số nhiều "anatagata" (các anh, các chị, các
vị).
君=きみ=kimi
"Em": Cách gọi thân ái với
người nghe ít tuổi hơn.
Bạn trai gọi bạn gái, thầy giáo gọi học
sinh, người lớn tuổi hơn gọi đàn em.
君がそばにいなくて僕はさびしい。
Không có em bên cạnh anh rất cô đơn.
私=わたくし=watakushi
"Tôi" ở dạng lịch sự hơn
"watashi", dùng trong các trường hợp buổi lễ hay không khí trang trọng.
Số nhiều: 私ども (watakushi domo)
Đây là cách xưng hô khiêm tốn nhất cho
nhân xưng thứ nhất.
僕=ぼく=boku
"Tôi": Dùng cho nam giới
trong các tình huống thân mật, ví dụ trong gia đình ("con",
"cháu"), với thầy giáo ("em"), với bạn bè ("tôi",
"tớ"), với bạn gái ("anh"). Chú ý là đây là dạng thân mật
nhưng không hề suồng sã. Tránh dùng trong các tình huống trang trọng hay lễ
nghi.
あたし=atashi
Là cách xưng "tôi" mà phụ nữ
hay dùng. Giống "watashi" nhưng điệu đà hơn.
俺=おれ=ore
"Tôi, tao, tớ": Dùng cho trường
hợp thân mật giữa bạn bè, với người thân thiết ít tuổi hơn hay dùng như
"tao" là cách xưng hô ngoài đường phố.
Đây là cách mà những kẻ đấm đá ngoài đường
hay xã hội đen thường xuyên nói, được coi là cách nói không lịch sự.
Tuy nhiên trong tiếng Nhật bạn trai có
thể dùng "ore" với bạn gái và gọi bạn gái là "omae"
("mày").
お前=おまえ=omae
"Mày", "cậu" (bạn
bè): Dùng cho đường phố. "Mae" là trước mặt, omae tạo thành danh từ
chỉ người đứng trước mặt. Còn gọi chệch là おめえ (omee).
Bạn trai có thể gọi bạn gái không lịch
sự là "omae".
手前=てまえ hay てめえ = temae, temee
"Mày" ở dạng còn mạnh hơn hơn
"omae". Không nên dùng từ này trừ trong tình huống chửi bới.
Đây là cách xưng hô bất lịch sự nhất đối
với nhân xưng thứ hai.
わし=washi
"Lão": Cách xưng
"tôi" của người già, các bạn xem truyện tranh chắc hay thấy.
我々=われわれ=wareware
"Chúng ta": Bao gồm cả người
nghe. "Watashi tachi" là "chúng tôi", không bao gồm người
nghe.
Ví dụ:
我々サイゴン人は繊細な心を持っている人間です。
Chúng ta, những người Sài Gòn, là những
người có tâm hồn nhạy cảm.
諸君=しょくん=shokun
(kanji: "chư quân")
"Các bạn": Xưng hô lịch sự với
đám người ít tuổi hơn, như vua nói với binh lính, thầy giáo nói với học sinh,
v.v...
Đây là cách nói khá văn chương, kiểu
cách. Dạng lịch sự hơn sẽ là "anata gata".
Nhân xưng ngôi thứ ba và cách xưng hô với
ngôi thứ 2 trong tiếng Nhật:
彼=かれ=kare
Nghĩa: Anh ấy, anh ta
Dùng gọi nam giới ngôi thứ ba.
"~san" sẽ là dạng lịch sự hơn. "Kare" là cách gọi trung lập.
Số nhiều: 彼ら=かれら=karera
Chú ý là "kare" cũng dùng để
chỉ "bạn trai", cách nói âu yếm hơn là "kareshi" (彼氏).
私の彼:Bạn trai tôi
彼女=かのじょ=kanojo
Nghĩa: Cô ấy, cô ta
Giống "kare" nhưng dùng cho nữ.
ぼくの彼女:Bạn gái của tôi
~さん=~san
Cách gọi thông thường với ai đó
"Anh", "chị", "ông", "bà".
鈴木さん:Chị Suzuki
佐藤さん:Anh Satoh
高原さん:Ông Takahara
Đây là cách dùng thông thường với người
lớn tuổi hơn, hay với người mà bạn không thân thiết lắm. Các bạn có thể dùng
cách này để gọi người nghe hay gọi người nào đó với người nghe.
~氏 = ~shi
Đây là dạng cứng hơn (lịch sự trang trọng
hơn) của "~san", thường dùng trong văn bản (cách nói cứng và chính thống).
Ví dụ:
鈴木氏 Suzuki-shi: Ông/bà
Suzuki
Đây là cách nói TRUNG LẬP (khách quan,
không chứa đựng cảm xúc) về người thứ ba, không gọi người đối diện là
"~shi" nhé.
~君=~くん=~kun
"Bạn", "em" dùng để
gọi bạn bè hay người nam dưới tuổi bạn. Các bạn nữ có thể gọi các bạn nam cùng
lớp hay cùng nhóm. Có thể gọi "em" với người nam nhỏ tuổi hơn. Các bạn
có thể dùng cách này để gọi người nghe hay gọi người nào đó với người nghe.
加藤君:Bạn Katoh
~ちゃん=~chan
Giống như "~kun" nhưng gọi
cho nữ. Có thể dịch là "em", hay "bé".
マイちゃん:bé Mai
~様=~さま=~sama
Cách gọi lịch sự "ông",
"bà", "ngài", "quý bà". Cách gọi này lịch sự hơn
"~san".
Ví dụ: 高橋様 = Ngài Takahashi
Các bạn có thể dùng cách này với người
mới quen mà bạn tôn kính, hay mối quan hệ công việc. Thường dùng để gọi trực tiếp
người nghe.
お客様:Quý khách (okyaku
sama)
~殿=~どの=~dono
(kanji: "điện")
Cách gọi lịch sự nhất với người nghe,
trên cả "~sama". Sử dụng trong hoàn cảnh cực kỳ trang trọng.
お宅=おたく=otaku
"Otaku" vốn là từ dùng để gọi
nhà của ai một cách lịch sự (taku = nhà, tư dinh), trong xưng hô là cách nói kiểu
cách như kiểu "các hạ". Cách này là cách nói hết sức kiểu cách, thường
hay dùng trong văn hóa "otaku" là văn hóa của những người đam mê
manga Nhật Bản (trong đó các nhân vật gọi nhau hết sức kiểu cách.)
Các cách gọi người thứ ba không có mặt
trong tiếng Nhật:
人=ひと=hito
Cách gọi thông thường, ví dụ:
その人:Người đó
安藤さんという人:Người gọi là anh Andoh
方=かた=kata
Cách gọi lịch sự. "Ngài ấy",
"bà ấy", "quý cô đó".
その方:Quý bà đó
安藤さんとい方:Người gọi là anh Andoh
Bạn nên dùng cách này để gọi người của
đối phương.
Số nhiều: kata gata (gata là để cấu tạo
số nhiều dạng tôn kính)
もの=mono
弊社の安西というものが対応いたします。
Anzai của công ty chúng tôi sẽ giải quyết.
Tên + "to iu mono" là cách gọi
khiêm nhường người thuộc bên người nói, chú ý là trong trường hợp này chỉ dùng
tên không mà không phải dạng "~san".
あいつ=aitsu
"Thằng đó", "hắn":
Chỉ người thứ 3. Đây là cách gọi khinh miệt.
Số nhiều: あいつら (aitsura) bọn nó
こいつ=koitsu
"Thằng này": Gọi người nghe một
cách khinh miệt
そいつ=soitsu
"Thằng đó": Gọi khinh miệt một
người thứ 3 không có mặt
この野郎=このやろう=kono yarou
"Thằng chó này": Cách gọi nhục
mạ người đối diện
(Tham khảo: ばか野郎=baka yarou = "thằng ngu, thằng ngốc" cũng là một cách gọi nhục mạ)
"yarou" là cách gọi miệt thị,
ví dụ "sono yarou",...
Cấu tạo số nhiều nhân xưng và cách gọi
trong tiếng Nhật:
Dạng lịch sự: Thêm "gata"
貴方がた: Quý vị, các bạn
方々(かたがた): Những người (dạng lịch
sự hơn 人々 hitobito)
Dạng thông thường: Thêm
"tachi"
あなたたち:Mấy người, các người
安西さんたち:Nhóm chị Anzai
子供たち:Lũ trẻ
友達(ともだち):Bạn bè
兵士たち:Những người lính
その人たち:Những người đó
Dạng suồng sã: Thêm "ra"
彼ら:Đám anh ta
彼女ら:Đám chị ấy
放浪者ら:Đám người lang thang
お前ら:Chúng mày
あいつら:Chúng nó
Các cách gọi khác trong tiếng Nhật:
王様:ousama, vua
陛下様:Bệ hạ
閣下:kakka (các hạ) = các hạ
(gọi đối phương là người cao quý một cách tôn kính)
小生:shousei (tiểu sinh) =
tiểu sinh (tự gọi bản thân một cách khiêm tốn)
Ngoài ra có thể dùng danh từ chung để gọi
như:
青年=せいねん=Thanh niên
若者=わかもの=Người trẻ tuổi